GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾT SINH HOẠT CHỦ NHIỆM LỚP

Thứ hai - 10/02/2025 14:44

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾT SINH HOẠT CHỦ NHIỆM LỚP

Trần Anh Tuấn – Khoa học&Kiểm định

1. Đặt vấn đề

Tiết sinh hoạt chủ nhiệm (SHCN) đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong công tác chủ nhiệm, là nền tảng để theo dõi, đánh giá quá trình rèn luyện và sự tiến bộ của mỗi học sinh, sinh viên (HSSV) xuyên suốt năm học. Đây không chỉ là nơi gắn kết thầy cô và học trò, mà còn là cơ hội quan trọng để hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho người học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tiết SHCN chưa được nhìn nhận và đầu tư đúng mức. Nhiều HSSV tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa vẫn chưa thực sự quan tâm và hứng thú với hoạt động này. Do đó, nâng cao chất lượng của tiết SHCN là yêu cầu cấp thiết, nhằm biến tiết SHCN trở nên sinh động, hấp dẫn, mang lại tác động tích cực và giá trị thiết thực hơn cho quá trình học tập và rèn luyện của HSSV.

2. Thực trạng tổ chức tiết SHCN tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, tiết SHCN hiện nay đang diễn ra theo một "kịch bản" lặp đi lặp lại, bao gồm các bước: 1)Kiểm tra sĩ số HSSV; 2) Lớp trưởng báo cáo và đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của lớp trong tháng trước; 3) Bí thư chi đoàn đánh giá và triển khai công tác Đoàn (nếu có); 4) GVCN nhận xét những nội dung quan trọng đã triển khai, đánh giá các mặt trong tháng và triển khai công việc cho tháng tới; 5) Thu học phí (nếu có). Kịch bản này thường được thực hiện trong hầu hết các tháng của học kỳ, thậm chí trong cả năm học, dẫn đến việc tiết SHCN trở nên đơn điệu và thiếu sức hấp dẫn.

Ở một số lớp Trung cấp và Cao đẳng hệ A, tiết SHCN chưa được coi trọng đúng mức, dẫn đến việc tổ chức chỉ mang tính hình thức và không đạt hiệu quả cao. Có lớp, nội dung sinh hoạt chỉ diễn ra chưa đến 15 phút, sau đó giáo viên thường quay lại với công việc cá nhân trong khi HSSV thì ngồi chơi điện thoại hoặc trêu đùa nhau. Thậm chí, một số lớp đã biến tiết SHCN thành buổi "luận tội" HSSV, tập trung vào việc chỉ trích các khuyết điểm, kiểm điểm và phê bình trước lớp, tạo ra không khí căng thẳng và kém thoải mái. Trong một số trường hợp, GVCN còn giao toàn bộ trách nhiệm cho cán bộ lớp, làm giảm vai trò của mình trong tiết SHCN.

Chính vì nội dung và hình thức đơn điệu, nhàm chán như vậy nên phần lớn HSSV không hứng thú với tiết SHCN. Những tiết SHCN được bố trí vào cuối buổi (tiết 3,4 buổi sáng, tiết 4,5 buổi chiều), các em thường “trốn” không tham gia tiết SHCN. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ cả đội ngũ giảng viên và HSSV:

- Về phía giáo viên: Nhiều giáo viên chủ nhiệm hiện nay chưa chú trọng đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ cho tiết SHCN. Mặc dù tiết SHCN được tính như một giờ lên lớp, nhưng thực tế, không có kế hoạch giảng dạy hoặc giáo án cụ thể cho các tiết này. Việc thiếu giáo án dẫn đến nhiều GVCN không thực hiện theo một quy trình rõ ràng, chỉ phổ biến nội dung khi có hoạt động, còn nếu không có thì tiết SHCN thường trở thành thời gian trống.

Bên cạnh khối lượng công việc lớn, đội ngũ GVCN còn thiếu kỹ năng cần thiết để thực hiện hiệu quả tiết SHCN. Thiếu kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn khiến nhiều GVCN gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động sinh hoạt, dẫn đến việc họ tiếp tục theo lối mòn cũ, không có sự sáng tạo và đầu tư cần thiết để làm cho tiết SHCN phong phú và hấp dẫn.

Hơn nữa, công tác chủ nhiệm và tiết SHCN chưa được đánh giá đúng mức. Tâm lý xem nhẹ vai trò của GVCN cùng với chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đã làm giảm động lực của giáo viên, khiến họ không nhiệt tình với trách nhiệm của mình. Hệ quả là, tiết SHCN không đạt hiệu quả như mong muốn và thiếu tính hấp dẫn cần thiết.

- Về phía các em HSSV: HSSV vào học ở trường phần lớn do không đậu vào các trường THPT công lập hoặc đại học, dẫn đến ý thức và học lực chưa cao. Nhiều em còn thụ động, không chủ động tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể như văn nghệ, thể thao hay sinh hoạt các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng.

Một bộ phận HSSV khác có thái độ lười biếng trong việc học tập và tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, gây khó khăn cho GVCN trong việc tổ chức tiết SHCN. Sự thiếu chủ động này đã dẫn đến tình trạng tiết SHCN trở nên kém hiệu quả, không thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của HSSV.

 3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiết SHCN 

3.1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, nhân viên và HSSV về vai trò, tầm quan trọng của tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của tiết SHCN là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng hoạt động này. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, và nhân viên cần hiểu rằng tiết SHCN không chỉ là một phần trong chương trình học mà còn là dịp quan trọng để phát triển kỹ năng sống và tinh thần đoàn kết của HSSV. Khi có nhận thức đúng, họ sẽ tích cực đầu tư thời gian và tâm huyết vào tiết SHCN, từ đó đổi mới nội dung và phương thức tổ chức, làm cho tiết SHCN trở nên hiệu quả và chất lượng hơn. Đối với HSSV, việc hiểu rõ tầm quan trọng của tiết SHCN sẽ tạo động lực cho các em tham gia tích cực hơn trong các hoạt động này.

3.2. Đa dạng hóa các hoạt động trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Để tiết SHCN trở nên hấp dẫn và không đơn điệu, GVCN có thể áp dụng nhiều hoạt động đa dạng. Một số hoạt động có thể bao gồm tổ chức các trò chơi tập thể để tạo bầu không khí vui vẻ và thân thiện. Bên cạnh đó, GVCN có thể trình chiếu các bộ phim ngắn có ý nghĩa giáo dục như “Quà tặng cuộc sống,” các bộ phim tài liệu về lịch sử, hoặc những câu chuyện về những tấm gương vượt khó trong học tập. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động văn nghệ như thi hát hoặc tập hát các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, thầy cô, và bạn bè cũng là một cách tạo không khí sôi nổi cho tiết SHCN. Đặc biệt, việc tổ chức sinh nhật hàng tháng cho HSSV với những món quà ý nghĩa như bút, tập, hay bánh kẹo có thể giúp tạo thêm sự gắn kết và động lực cho các em.

3.3. Tổ chức thảo luận các chuyên đề về kỹ năng sống trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Giáo dục kỹ năng sống cho HSSV đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển khả năng làm chủ bản thân, ứng xử với người khác, và đối phó với các tình huống phức tạp trong cuộc sống. Một số kỹ năng cần thiết bao gồm: quản lý cảm xúc, tự phục vụ bản thân, quản lý thời gian, xác lập mục tiêu, giao tiếp và ứng xử, đánh giá hành vi, tự tin trước đám đông, và hợp tác chia sẻ. GVCN cần tìm kiếm các chuyên đề phù hợp với nhu cầu và hứng thú của HSSV để tổ chức các buổi thảo luận, từ đó giúp các em phát triển những kỹ năng này.

3.4. Thay đổi không gian, địa điểm của tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Để tạo ra không gian sinh động và bắt mắt, GVCN có thể cho HSSV thay đổi cách sắp xếp bàn ghế và trang trí lớp học. Ví dụ, trong các buổi thảo luận, lớp có thể sắp xếp bàn ghế theo hình chữ U để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác. Đặc biệt, tiết SHCN không nhất thiết phải diễn ra trong lớp học, GVCN có thể lựa chọn những địa điểm ngoài trời hoặc không gian khác để tổ chức các trò chơi hoặc cuộc thi thể thao, như sân bóng đá hoặc sân bóng chuyền. Sự thay đổi này sẽ góp phần làm cho tiết SHCN trở nên thú vị và thu hút hơn đối với HSSV.

4. Kết luận

Việc thay đổi thói quen và lối mòn trong tổ chức tiết SHCN không phải là điều dễ dàng. Để đạt được hiệu quả thực sự và phát huy vai trò tích cực của HSSV, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn HSSV đều cần dành thời gian, công sức, tâm huyết và trí tuệ cho quá trình này. Sự tìm tòi, sáng tạo và nỗ lực trong hoạt động sẽ mang lại kết quả tích cực. Khi mỗi tiết SHCN được chuẩn bị chu đáo, với các hình thức tổ chức đa dạng, nội dung hấp dẫn và mang tính giáo dục cao, sẽ góp phần tạo nên niềm vui, sự gắn bó và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong lớp. Qua từng tuần, từng tháng, các em HSSV không chỉ trưởng thành mà còn rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống./.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây