Một số giải pháp phát triển hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe trong Học sinh – Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Thứ hai - 10/02/2025 14:45

Một số giải pháp phát triển hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe trong Học sinh – Sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

                                         Nguyễn Viết Truyền - GV Khoa Điện, Điện tử - Điện lạnh

 

  1. Đặt vấn đề

Hoạt động giáo dục thể chất và thể dục thể thao (gọi chung là hoạt động thể dục thể thao - TDTT) học đường nói chung, tại trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với học sinh, sinh viên (HSSV).  TDTT giúp người tham gia rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe; rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức, nhân cách tự nhiên. Từ những hoạt động đồng đội trong tập luyện thi đấu, tinh thần tập thể được tôn vinh và ý thức tổ chức kỷ luật chiến thuật được nâng cao. TDTT còn là điều kiện, là động lực lôi cuốn, gắn kết HSSV giúp các em có kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

 

2. Thực trạng
          Xác định vai trò quan trọng của TDTT đối với phát triển thể lực người học, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa luôn đặt sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức, giảng dạy, tập luyện, giao lưu TDTT trong HSSV.

Trong chương trình đào tạo, môn học Giáo dục thể chất được đưa vào giảng dạy ở hệ cao đẳng, trung cấp. Nội dung và hình thức đa dạng đáp ứng cơ bản nhu cầu và sở thích của HSSV, đạt các mục tiêu chất lượng theo các thông tư, quy định hiện hành.

Đối với hoạt động thể thao ngoài giờ, nhà trường tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động TDTT rèn luyện sức khỏe; tổ chức các giải thi đấu từ cấp Khoa trở lên để tạo sân chơi cho người học. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn (ngày thành lập Hội Sinh viên Việt Nam, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày truyền thống nhà trường, ngày Nhà giáo Việt Nam, khai giảng năm học mới...) liên chi đoàn các Khoa, BCH Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức các giải thi đấu thể thao tạo không khí sôi động, vui tươi, lập thành tích chào mừng.

Nhìn chung, hoạt động TDTT rèn luyện sức khỏe trong HSSV trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã đạt được những kết quả và mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, kết quả đó mới chỉ dừng ở mức độ đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn cơ bản của Giáo dục thể chất trong nhà trường. Chất lượng tập luyện và thi đấu TDTT ngoài giờ chưa đạt được như kỳ vọng; số lượng, tỷ lệ và chất lượng tham gia hoạt động thể thao ngoài giờ còn hạn chế; tính lan tỏa trong hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT chưa sâu rộng.

 

  1. Nguyên nhân

Đặc thù của môi trường đào tạo nghề, đối tượng người học, về vị trí địa lý của nhà trường và đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương là những nguyên nhân gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến chất lượng và hoạt động TDTT trong HSSV, có thể kể đến các yếu tố chính như:

Thứ nhất, HSSV chủ yếu ở ngoại trú hoặc đi buổi về với gia đình, tỷ lệ ở nội trú thấp nên việc tập hợp tập luyện, chơi thể thao ngoài giờ gặp khó khăn.

Thứ hai, do đa phần HSSV đi làm thêm ngoài giờ học nên không bố trí được thời gian tham gia luyện tập, thi đấu TDTT hoặc tham gia nhưng không thường xuyên, đầy đủ.

Thứ ba, cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng được một phần cho hoạt động vui chơi, tập luyện thi đấu một số môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, thể dục dụng cụ; điều kiện tập luyện hợp với đối tượng HSSV nam, có ít cơ sở vật chất phù hợp với đối tượng HSSV là nữ giới.

Thứ tư, là một phần người học có tư tưởng lười vận động, lười luyện tập, dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, chơi game và các hoạt động khác ngoài thể thao.

  1. Giải pháp

Nâng cao chất lượng luyện tập TDTT trong HSSV về lâu dài cần có những chủ trương, chính sách, đầu tư bài bản và xây dựng chương trình cụ thể. Trong ngắn hạn, đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức nhiều giải thi đấu nhằm lôi cuốn HSSV tham gia, tăng cường tình đoàn kết, hứng thú trong thể thao và học tập. Tăng cường giao lưu thể thao giữa các đơn vị tạo sân chơi bổ ích cho người học.

Thứ hai, cần tăng cường, bổ sung số lượng và chất lượng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ, đảm bảo nhu cầu tập luyện thi đấu các môn thể thao có tính chất phổ cập, thông dụng. Thiết kế các nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và điều kiện của người học nhằm thu hút đông đảo HSSV tham gia.

Thứ ba, có chế độ biểu dương khen thưởng, cộng điểm rèn luyện cho người nỗ lực tập luyện, tham gia thi đấu đạt thành tích cao. Có thể xây dựng thành một tiêu chí đánh giá kết quả toàn khóa nhằm khuyến khích và tạo động lực cho người học tích cực rèn luyện.

Thứ tư, sắp xếp lịch học, lịch hoạt động ngoại khóa hợp lý để người học có điều kiện vui chơi, tham gia tập luyện, thi đấu TDTT và các hoạt động tập thể khác.

  1. Kết luận

Tóm lại, tác động tích cực của hoạt động TDTT trong HSSV là rất rõ nét, rất ý nghĩa. Do đó, cần sự thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm nỗ lực của người học. Trước hết cần sự quan tâm của các khoa chuyên môn, của các đoàn thể; tranh thủ, vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong hoạt động tài trợ, quản lý và tổ chức giải TDTT nhằm nâng cao chất lượng các giải đấu, thu hút HSSV tham gia tập luyện, thi đấu. Hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT trong HSSV tại trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng và cơ hội; việc tổ chức tốt các hoạt động, các giải thi đấu vừa giúp HSSV có sân chơi bổ ích vừa tạo sức lan tỏa, cuốn hút, quảng bá sâu rộng hình ảnh của nhà trường đến người học và cộng đồng./.

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây